EN
TIN TỨC > Đô thị vàng Lao Bảo
                                                                                                                                          Nguồn: baoquangtri.vn
 
(QT) - Đến Lao Bảo lần này, tôi rất ngỡ ngàng, ấn tượng khi phát hiện ra tầm vóc và chiều sâu của đô thị mới ở miền Tây Quảng Trị này. Mùa nóng, gió phơn tây nam tràn qua Lao Bảo xoáy cuộn vòng thung lũng hừng hực trước khi đổ về đường 9, Đông Hà. Nhưng Lao Bảo từ xa xưa là con đường buôn bán huyết mạch của nước ta với Lào và nhiều nước Đông Nam - Á và Lao Bảo hôm nay đã thành đô thị vàng nơi trục đường buôn bán Việt –Lào - Thái của nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị...

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi hàng chục vạn quân Sài Gòn tràn qua Lao Bảo thực hiện cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, máu lửa ngút trời, thì nhà thơ Liệt sĩ Ngô Kha ở Huế đã viết bài thơ Cho những người nằm xuống, tiên tri về Lao Bảo : một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo / một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây.. . Sự tiên đoán đó bây giờ đã thành sự thật! Lao Bảo đã trở thành một đô thị vàng. Vàng ở đây gồm cả hai nghĩa: đẹp và giàu có. 

Khi chúng tôi đến, Lao Bảo đã có vóc dáng của một thị trấn sầm uất với nhiều khách sạn 5 - 6 tầng sang trọng. Phố xá dọc ngang một chiều hai chiều, hoa cỏ tỉa xén công phu. Nhiều quán ăn rộng rãi, tiếp một lúc hàng trăm thực khách. Khu Trung tâm thương mại Lao Bảo rộng hàng ngàn mét vuông với sáu khu buôn bán chuyên ngành suốt ngày đông chật khách hàng. Có cả “Khu chợ ngày đêm” buôn bán tấp nập. Lưu chuyển hàng hóa, tiền tệ ở Lao Bảo không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là nguồn mạch của một thành phố thương mại trong tương lai. Đó là sức sống của một đô thị trẻ, mà ít có thị trấn đồng bằng nào ở Việt Nam sánh kịp. Tại Lao Bảo, một số chi nhánh ngân hàng tên tuổi đã khai trương hoạt động. Lúc nào trên đường phố hay bên ngoài Trung tâm thương mại Lao Bảo cũng đỗ chật các loại xe du lịch, xe chở hàng, xe con mang biển số của nhiều tỉnh, thành và cả biển số xe Lào, Thái Lan. Ở Lao Bảo có hai siêu thị hiện đại là “Siêu thị Thiên Niên Kỷ” bán hàng miễn thuế và Siêu thị Mucdahan Thái Lan. 

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Ảnh: TD


Chúng tôi vào Siêu thị Thiên Niên Kỷ điều hòa mát lạnh, hàng vạn mặt hàng đa dạng được sắp xếp theo từng dẫy ngay ngắn, đẹp mắt. Khách hàng vào đây không thể nào cầm lòng ra về tay không bởi sự hấp dẫn bởi các loại hàng hóa chất lượng cao nhập về từ Mỹ, EU, Thái Lan, Nhật Bản... Trung tâm Thương mại Lao Bảo hay các siêu thị là nơi bán sĩ hàng hóa cho các chợ lớn ở miền Trung như Đông Hà, Đông Ba, Chợ Hàn, chợ Ba Đồn... Hàng hóa ở đây dồi dào nên khách du lịch ra Bắc vào Nam qua Đông Hà ai cũng muốn rẽ lên Lao Bảo, một địa chỉ mua sắm nổi tiếng ... 

Đi giữa phố xá Lao Bảo sầm uất, tôi chợt nhớ đến cuộc chiến đấu khốc liệt của quân dân ta ở Đường 9 - Nam Lào hơn 40 năm trước. Đầu năm 1970, Bộ quốc phòng Mỹ vạch kế hoạch mang tên Dewey Canyon II, tấn công cắt đứt đường Hồ Chí Minh từ Lao Bảo đến Sê Pôn (Lào) hòng chặn đứng sự tiếp viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Ngày 29/01/1971, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn chiến dịch tấn công. Kế hoạch do Mỹ vạch ra, quân đội Sài Gòn trực tiếp hành quân dưới sự yểm trợ của máy bay và pháo binh Mỹ. Phía quân đội Sài Gòn gọi tên chiến dịch là Lam Sơn 719, con số 719 được ghép từ năm 1971 và Đường 9 - trục chính của cuộc tấn công. Đây là chiến dịch tiến công quân sự lớn nhất, quan trọng nhất của quân đội Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh. Chiến dịch Lam Sơn 719 còn là một thử nghiệm của Mỹ về khả năng tự chiến đấu của quân đội Sài Gòn khi Mỹ rút quân, gọi là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Nhờ nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn mà chúng ta nắm được toàn bộ kế hoạch tấn công của địch từ rất sớm và các đơn vị bộ đội chủ lực, xe tăng, pháo phòng không và bộ đội địa phương, bộ đội Đoàn 559 đã bí mật dàn trận đợi địch. Lam Sơn 719 đã sụp đổ trước sức chiến đấu kiên cường, thông minh của quân và dân ta dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào với mật danh “Bộ tư lệnh 702”, do đại tướng Lê Trọng Tấn (người được mệnh danh là “Giu-cốp Việt Nam”) chỉ huy. Lam Sơn 719 là một thảm họa đối với quân đội Sài Gòn, xóa sổ những đơn vị thiện chiến nhất, để 4 năm sau - mùa xuân 1975, đội quân ấy đã rệu rã, mất sức chiến đấu, bỏ chạy toán loạn trước sức tấn công như vũ bão của quân giải phóng. 

Kết cục Lam Sơn 719 thế nào thì nhiều sách báo đã viết. Tôi chỉ kể thêm một vài chuyện nhỏ để bạn đọc biết thêm về di hại của chiến tranh. Ngày 10/02/1971, ở Sài gòn, bà Phan Thị Tuyết Ngọc hay tin chồng mình, đại tá Phạm Vi, quân Sài Gòn bị mất tích tại chiến trường hạ Lào. Phải gần bốn thập niên sau, tức là đến năm 2010, bà mới biết chồng mình đã tử nạn cùng sáu đồng đội khác và bốn phóng viên Mỹ trong lúc bay trên một chiếc trực thăng đi thị sát chiến trường. Những nắm xương tàn, quyện lẫn vào nhau không tách ra được, đã được chôn chung tại Viện bảo tàng Truyền thông Newseum ở Washington DC, từ năm 2008, nhờ một cựu phóng viên AP, nhà báo hồi hưu Richard Pyle, Trưởng văn phòng hãng AP tại Sài Gòn lúc đó, bỏ biết bao công sức qua Việt Nam, Lào đi tìm kiếm. Và tới ngày 10/8/2010, một số người thân của nhóm quân nhân thiệt mạng, được ông Pyle hướng dẫn đến thăm Newseum và ngậm ngùi nhìn nơi chôn cất người thân của mình.... 

Sau năm 1975, Lao Bảo vẫn còn là vùng rừng núi hoang vu với các bản làng người Vân kiều, Pa cô. Đến năm 1998, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Khu KTTMĐBLB) được thành lập. UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ công bố qui hoạch phát triển Khu KTTMLB 2010 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, sau hơn 15 năm đi vào hoạt động cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và tổ chức sản xuất kinh doanh, đến nay Khu KTTMĐBLB có diện tích rộng 18.226 ha, dân số 45.000 người bao gồm: thị trấn Lao Bảo 500 ha, thị trấn Khe Sanh 1340 ha, diện tích còn lại là không gian hành lang kết nối dọc quốc lộ 9 và vùng nông lâm nghiệp, rừng bảo vệ sinh thái. Khu KTTMĐBLB sẽ tiếp tục được nâng cấp và xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng như nâng cấp quốc lộ 9, xây dựng sân bay trực thăng với qui mô 3 ha. Như vậy tương lai “đô thị vàng Lao Bảo” sẽ còn bề thế hơn nữa. Thị trấn Lao Bảo đang là trọng điểm mở rộng giao thương, phát triển kinh tế trong và ngoài nước. 

Chúng tôi đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, xe người chờ làm thủ tục qua về cửa khẩu rất đông. Vui nhất là chuyện đổi tiền. Ở cửa khẩu, chúng tôi gặp nhiều cô gái Việt Nam có dáng vẻ nhanh nhẹn, tay mang những túi xách căng phồng. Các cô nói tiếng Lào, Thái, tiếng Anh “bồi” rất thạo. Đó chính là những “ngân hàng lưu động”. Qua mấy em gái này, bạn còn có thể mua được sim/card điện thoại của Lào để sử dụng trong những ngày du lịch ở Lào và đổi tiền kíp Lào, bath Thái để chi tiêu. Lượng đổi không hạn chế. Tỷ giá cập nhật từng ngày một, dịch vụ hoàn hảo, chính xác. Có điều thú vị, chính các “giao dịch viên ngân hàng” di động ở cửa khẩu này còn kiêm luôn việc làm thủ tục xuất nhập cảnh rất thuận lợi cho du khách, chi phí mỗi người chỉ 10.000 VNĐ. Rất đông du khách từ Lào, Thái Lan về lại đổi tiền kíp, tiền bath lấy tiền Việt để vào chợ hay siêu thị ở Lao Bảo mua hàng. 

Ai Lao, Lão Qua, Vạn Tượng là tên nước Lào xưa. Có lẽ cái tên Lao Bảo sinh ra từ cái tên Dinh Ai Lao mà nhà Trần lập ra để quản lý biên giới từ thế kỷ XIV. Chữ Lao Bảo cũng sinh ra cùng với việc Pháp xây nhà tù Lao Bảo. Dưới thời nhà Nguyễn, nơi đây là một đồn trấn giữ bờ cõi phía Tây của lãnh thổ Đại Nam. Đây là vùng rừng núi chập chùng, hiểm trở, là chốn “rừng thiêng, nước độc”, là chỗ đày ải những người chống đối. Nếu như thế thì tên gọi đó đã có hơn 100 năm rồi. Pháp xây nhà tù Lao Bảo năm 1908. Nhà tù Lao Bảo ở phía tây nam đường số 9, giáp sông Sê Pôn. Cùng với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, căn cứ Làng Vây, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương. Nhà tù Lao Bảo là di tích quan trọng tạo nên chiều sâu lịch sử cho “đô thị vàng Lao Bảo”. Danh sách tù nhân Lao Bảo có tên những nhà cách mạng nổi tiếng đã từng bị giam cầm ở đây như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chưởng, Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Đoàn Lân, Trần Công Ái…, thậm chí ở đây còn giam giữ cả những người yêu nước Lào. Nhà thơ Tố Hữu bị đày ở Lao Bảo cuối năm 1940, khi ông mới 20 tuổi. Thời gian này, những bài thơ chiến đấu như Trăng trối, Con cá chột nưa...ra đời. Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ/ Sống đã vì cách mạng, anh em ta / Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà / Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng ... Ông Đoàn Lân, sinh năm 1908 là người phụ trách tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội Quảng Trị khi mới 21 tuổi. Là thư ký của tổ chức cộng sản đầu tiên của Quảng Trị thành lập 3/1929. Cuối năm 1929 ông bị bắt và bị kết án 12 năm cấm cố tại nhà tù Lao Bảo. Ông hy sinh trong tù tháng 3/1931. Năm 1975, sau giải phóng, mộ của chiến sĩ cộng sản Đoàn Lân mới được cháu ruột là Đoàn Nhất Lâm (nhà văn Nhất Lâm) cải táng về làng quê An Tiêm. Ở nhà tù Lao Bảo có một tù nhân rất đặc biệt. Đó là ông Nguyễn Phước Bửu Đình. Ông là “chít” nội vua Minh Mạng. Năm 1919, Bửu Đình cộng tác với các báo Công Luận, Tân Thế Kỷ, Phụ nữ Tân văn.... Thời kì này, ông liên kết với các nhà hoạt động đối lập với Nam triều, hô hào dân chủ, kêu gọi chống thực dân phong kiến. Năm 1927, ông diễn thuyết chống Triều đình nhà Nguyễn, chống Pháp ở Huế, gọi vua là “thằng hề”. Hội đồng Phủ Tôn nhân đã kết ông tội “khi quân”, xóa bỏ tên và mọi quyền lợi của ông trong Hoàng tộc, buộc ông phải lấy họ mẹ, đổi tên thành Tạ Đình. Bửu Đình bị kết án tù 9 năm, giam tại Lao Bảo. Ở Lao Bảo, ông lại tiếp tục vận động các tù nhân chống chính quyền, nên bị lưu đày chung thân ra Côn Đảo. Ở đây, ông tiếp tục viết báo rồi tìm cách gửi về đất liền đăng. Ông viết hai cuốn tiểu thuyết Cậu Tám lọ, Mảnh trăng thu và tập thơ Giọt lệ tri âm cũng được xuất bản. Tháng 11/1930, ông tổ chức vượt ngục nhưng không thành. Cuối năm 1931, ông lại tổ chức vượt biển lần nữa, nhưng bị mất tích trên biển, khi mới 33 tuổi. Hiện tên Bửu Đình đã được đặt cho một con đường ở Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. 

Năm 1991, Nhà tù Lao Bảo được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Tháng 8/2009, Trung tâm Bảo tồn Di tích - Danh thắng Quảng Trị qua khảo sát đã phát hiện dấu tích dãy nhà biệt giam gồm 14 phòng cùng với nhiều gông, cùm, xiềng xích... dưới độ sâu 2 mét. Dãy nhà biệt giam được xây khá dày và rất có thể chỉ dùng để giam một người bởi diện tích mỗi phòng rất hẹp... UBND tỉnh Quảng Trị đã có kế hoạch đầu tư để tôn tạo nhà tù Lao Bảo, dựng lại nguyên bản một phần dãy biệt giam. 

Đô thị vàng Lao Bảo là điểm giao thương quan trọng của Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong khu vực trên trục Hành lang kinh tế Đông – Tây, mà điểm thông ra biển là cảng Đà Nẵng. Và thực tế đường 9 qua Lao Bảo đã thành tuyến vận tải quốc tế trong kế hoạch xây dựng xa lộ xuyên Á của tiểu vùng sông Mê Công (GMS). Với những chính sách đặc biệt ưu đãi và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày một hoàn thiện, Khu KTTMĐBLB đang là một điểm đến đầy triển vọng cho các doanh nhân và các nhà đầu tư với nhiều chính sách đặc biệt ưu đãi. 

Từ thế kỷ XIV, ngoại thương Lào - Lao Bảo - Đường 9 đã được khơi mở. Thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên 68 năm trên đất Quảng Trị (1558 - 1626) chợ Phiên Cam Lộ thành chợ lớn nhất nhì Trung Bộ. Con đường buôn bán Việt - Lào qua Dinh Ai Lao đã sôi động lắm. Sách Đại Nam thục lục tiền biên chép rằng, tàu buôn các nước Trung Quốc, Nhật, Bồ Đào Nha…(vào Cửa Việt, cửa sông Thạch Hãn) “nhóm họp nơi sở lỵ của Chúa biến thành một nơi đô hội lớn”. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép : “Họ Nguyễn thường đem cho các nước Lạc Hoàn, Vạn Tượng các đồ dùng, họ vui lòng đổi chác…”, “năm 1776, người buôn ở các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, hoa xuyến, thoi bạc, đồ dùng lặt vặt đến đất người Man (Lào) đổi lấy thóc gạo, trâu, sáp, vải Man, màn Man. Có phiên chợ Cam Lộ người Lào lùa đến 300 con trâu đến bán. Giá một con trâu không quá mười quan tiền, giá một con voi chỉ hai hốt bạc và một khẩu súng nhỏ”…Phần lớn khách buôn bán đi bộ. Người Lào giàu có thường cưỡi voi chở hàng vượt Lao Bảo về Đại Việt buôn bán. 

Năm 1906, người Pháp mở đường 9. Năm 1929, con đường đất 300 cây số nối Lao Bảo - Savannakhet căn bản hoàn thành. Đây là cái mốc mới trong quan hệ buôn bán Việt Nam - Lào - Thái Lan qua Lao Bảo. Nhiều thương nhân người Pháp bắt đầu nhòm ngó đến vùng đất hoang vu này. Điển hình là ông Malpuech người Pháp. Do sức hấp dẫn của môi trường buôn bán Lao Bảo - Đường 9, năm 1918, Malpuech đã từ bỏ chức Công sứ Savannakhet, thành lập Công ty Công kỹ nghệ Lào (Societé Industrich de Savannakhet). Công ty này có chi nhánh đặt tại Đông Hà. Có thể nói đây là nhà tư bản Pháp đầu tiên nhận ra tầm chiến lược về thương mại của đường 9 - Lao Bảo. Ông có chân trong Hội đồng kinh tế, tài chính Đông Dương, độc quyền mua lúa gạo Thái Lan để xuất khẩu, lập xưởng nấu rượu xi-ca ở Đồng Hới, khai thác rừng ở Lào, khai thác mỏ thiếc ở Phong Chư, Sêneng, mở nhà máy xay xát ở Savannakhet…. Thời đó mà ông đã có 15 ô tô vận tải chạy trên tuyến đường 9… Đất bazan ở Khe Sanh, Lao Bảo là nơi lý tưởng để các ông chủ Pháp lập đồn điền trồng cà phê, cao su. 

Vài nét về quá khứ như thế để khẳng định rằng, việc xây dựng Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo là một lựa chọn có tầm chiến lược về kinh tế của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Trị. Dù ở đường biên Việt - Lào dọc theo sông Sê Pôn vẫn thường xuyên xảy ra cảnh tuồn thuốc lá ngoại và các loại hàng trốn thuế sang Việt Nam. Vẫn đang diễn ra cảnh gùi hàng băng rừng vượt trạm kiểm soát của người dân do các chủ hàng lậu thuê mướn, nhưng “đô thị vàng Lao Bảo” trong thơ Ngô Kha đang trở thành thành phố thương mại vùng biên lớn, là điểm nhấn của không gian đô thị phát triển Lao Bảo - Khe Sanh trong tương lai. Đứng giữa ngã tư trung tâm thị trấn Lao Bảo, một đô thị vùng biên sầm uất, tôi cứ bâng khuâng nghĩ về sự hình thành đầy mồ hôi, sức lực và trí tuệ, máu và nước mắt của bao lớp người Quảng Trị và cả nước để có vóc dáng của một thành phố vàng hôm nay . 

                                                             NGÔ MINH
Các tin khác:

Khách sạn Lao Bảo, Siêu thị Miễn Thuế Lao Bảo, Nhà hàng Lao Bảo, Khach san Lao Bao, Sieu thi mien thue Lao Bao, Nha hang Lao Bao